Sáng ngày 26/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các địa phương kết nghĩa và cộng đồng doanh nghiệp, các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh cùng đại diện cộng đồng nhân dân trên địa bàn tỉnh tham dự. Ngoài ra, sự kiện còn được tổ chức trực tuyến đến hơn 200 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh trong cộng đồng ICF thế giới.
Hội nghị được tổ chức nhằm công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 790/QĐ-TTg ngày 3/8/2024. Đồng thời giới thiệu tầm nhìn, định hướng tổng thể phát triển và thu hút đầu tư; quảng bá Bình Dương với bạn bè thế giới, tạo động lực thực hiện các đột phá chiến lược trong thời gian tới dựa trên nền tảng về chuyển đổi số, phát triển xanh, thông minh và bền vững.
Quy hoạch của tỉnh đã bám sát Quy hoạch Quốc gia, các Quy hoạch ngành Quốc gia cũng như Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, lấy Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để xây dựng các mục tiêu và phương án tích hợp phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương đặt trong mối tương quan với các tỉnh, thành phố trong Vùng Đông Nam bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Trong đó, tập trung xây dựng quy hoạch dựa trên 6 trụ cột phát triển với 37 nhiệm vụ, 5 chiến lược tích hợp và phát triển theo mô hình cấu trúc: 1 trụ cột phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương, mục tiêu đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, và là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp. Là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Quy hoạch này cũng nhấn mạnh đến liên kết hợp tác phát triển Vùng. Theo đó, Bình Dương sẽ phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia và Vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là mở rộng các kết nối về giao thông, khoa học công nghệ, và nguồn nhân lực. Tỉnh sẽ tập trung vào việc mở rộng các kết nối giao thông tới cảng biển, cảng hàng không quốc tế và cửa khẩu quốc tế, tạo động lực cho sự chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước).
Đồng thời, kết nối về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới, kết nối về không gian phát triển không gian động lực phía Nam, hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế để tăng cường vị thế, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.
Để phát triển bền vững, Bình Dương đổi mới hệ sinh thái phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại cùng với chuyển đổi số rộng rãi trong sản xuất và điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng.
Bình Dương sẽ phát triển hệ sinh thái mới, tập trung cho đổi mới sáng tạo, với sự chuẩn bị đầy đủ về quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Chú trọng phát triển các ngành lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, và chủ động xuất khẩu hàng hóa có ứng dụng khoa học công nghệ cao trên cơ sở khai thác triệt để các tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Bình Dương hướng đến phát triển xanh hóa nền kinh tế (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, môi trường...) nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội.
Phát triển không gian đô thị xanh, hạ tầng xanh đẹp và hấp dẫn trở thành hình ảnh đặc trưng của đô thị Bình Dương. Quan tâm đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, bền vững, phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, tái chế rác và xử lý nước thải...
Trước đó, sáng cùng ngày (26/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã thị sát dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Tại hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là tuyến đường trọng điểm kết nối liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra không gian phát triển mới cho toàn khu vực, khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất, tạo cơ sở phát triển hạ tầng tốt và thu hút đầu tư hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Dương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đồng thời lưu ý, quá trình triển khai các dự án cần tính toán hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đối với người dân có đất mà dự án đi qua, tỉnh cần đầu tư xây dựng các khu tái định cư sớm, bố trí tái định cư phù hợp để người dân nhanh chóng ổn định đời sống sau khi Nhà nước thu hồi đất.
Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có điểm đầu tại nút giao Gò Dưa nằm trên đường Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh, điểm cuối giao với Quốc lộ 14 tại thị xã Chơn Thành (Bình Phước) với tổng chiều dài toàn tuyến gần 69km.
Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư tuyến đường qua Bình Dương khoảng 9.000 tỷ đồng, đoạn qua Bình Phước khoảng 500 tỷ đồng, đoạn qua TP. Hồ Chí Minh khoảng 2.600 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của các địa phương; Giai đoạn 2 của dự án có tổng mức đầu tư 13.500 tỷ đồng.
Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ triển khai từ năm 2023-2025, song song với quá trình triển khai thực hiện kêu gọi nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2 theo hình thức PPP (đối tác công tư), dự kiến hoàn thành năm 2026.
Nguồn: Báo mới