Thành phố Thuận An là đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn ở phía Nam tỉnh Bình Dương; Kết nối hệ thống đô thị phía Bắc của tỉnh Bình Dương với TP.HCM; Là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và vùng TP.HCM; Có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng.
Hiện tại, thành phố Thuận An đang là đô thị loại III theo Quyết định số 114/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 07/3/2017. Mục tiêu giai đoạn 2021-2030: Phấn đấu phát triển thành phố Thuận An đạt tiêu chí loại II, trong đó có nâng cấp xã An Sơn thành phường. Giai đoạn 2031 - 2040: Phấn đấu phát triển thành phố Thuận An đạt tiêu chí loại I.
Về phân khu vực phát triển thành phố Thuận An được quy hoạch như sau:
Các khu vực cải tạo, chỉnh trang: Diện tích khoảng 2.008 ha. Các khu vực này lấy cải tạo chỉnh trang là chính kết hợp phát triển các dự án mới trên đất nông nghiệp xen cài và đất công nghiệp di dời. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Ưu tiên phát triển các dự án theo hướng tăng thêm quỹ đất phát triển hạ tầng xã hội như mẫu giáo mầm non, công viên cây xanh... Khu vực này dự kiến khoảng 290.000 người.
Khu đô thị truyền thống: Gồm khu vực trung tâm phường Lái Thiêu diện tích khoảng 99,72ha và khu vực xung quanh chợ Búng diện tích khoảng 8,39ha. Đây là khu vực được cải tạo, chỉnh trang theo hướng giữ gìn bản sắc văn hoá vật thể và phi vật thể đồng thời tập trung phát triển thương mại, dịch vụ - nhà hàng, khách sạn, phố đi bộ, phố đêm... phục vụ du lịch gắn với khu vực du lịch vườn trái cây Lái Thiêu. Dân số dự kiến khoảng 19.000-21.000 dân.
Các hành lang đất hỗn hợp (chuyển đổi): được quy hoạch khoảng 1.154 ha trên các trục chính đô thị như các đường Đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT.743a ,đường ĐT.743b và ĐT.743c, những tuyến đường có quy hoạch đường sắt đô thị và các đường Liên phân khu như đường Thủ Khoa Huân, đường 22 tháng 12 và một số đường chính khu vực... Định hướng phát triển các khu này: Ưu tiên chuyển đổi để phát triển các dự án đa chức năng như dịch vụ - đô thị, nhà ở chất lượng cao, giáo dục và đào tạo...; hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị gắn kết với các ga đường sắt đô thị, các trục đường chính đô thị; Hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có giao thông kết nối với các trục đường chính. Các hành lang đô thị này dự kiến dân số khoảng 480.000-500.000 dân.
Các hành lang đất hỗn hợp phát triển mới: Được quy hoạch khoảng 260 ha đất ven sông Sài Gòn và hai bên đường Vành đai III là khu vực chưa có đường xây dựng, quỹ đất nông nghiệp còn lớn, mật độ xây dựng thấp. Định hướng quy hoạch là thu hút các dự án đầu tư xây dựng mới các tổ hợp giải trí, du lịch, khách sạn nhà hàng, chung cư chất lượng cao, condotel và các công trình dịch vụ đô thị khác. Hình thành các trung tâm dịch vụ chất lượng cao xung quanh các bến hành khách trên sông Sài Gòn; Hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có giao thông kết nối với khu vực xung quanh. Dân số dự kiến khoảng 40.000-52.000 dân.
Phát triển khu đô thị vườn trái: Giữ lại vườn trái khoảng 659 ha phát triển theo chiều sâu khu đô thị vườn trái đến năm 2040 tại An Sơn, An Thạnh và Hưng Định. Định hướng phát triển: tạo lập mô hình khu đô thị vườn trái gắn nhà ở kết hợp homestays với các vườn trái chất lượng cao phục vụ du lịch, đồng thời giữ lại một mảng xanh- sinh thái cho thành phố Thuận An. Dân số dự kiến khoảng 13.000- 15.000 dân.
Cơ quan hành chính: Xây dựng trung tâm hành chính mới trên đường Nguyễn Văn Tiết với diện tích khoảng l0ha. Xây dựng trụ sở ngành Công an trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Cải tạo nâng cấp trung tâm hành chính các phường; Di dời các công trình hành chính nằm trên các trục giao thông chính vào các đường liên khu vực theo quy chuẩn quy hoạch.
Công trình văn hóa - thể thao: Xây dựng mới Trung tâm Văn hoá Thể thao trên đường Nguyễn Trãi tại phường Lái Thiêu. Giữ nguyên Trung tâm văn hoá công nhân tại phường An Phú, Bình Hòa. Nâng cấp cải tạo các trung tâm văn hóa, thể thao các phường; Nâng cấp khu Di tích lịch sử Thuận An Hòa tại phường Thuận Giao.
Công trình giáo dục, đào tạo: Cải tạo, nâng cấp các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học hiện có trên địa bàn, đồng thời kêu gọi các dự án đầu tư các trường đào tạo dạy nghề ngoài công lập vào địa bàn thành phố. Khuyến khích các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh mở phân hiệu đại học, đào tạo tại thành phố Thuận An. Xây dựng thêm 05 trường THPT tại phường Bình Chuẩn, Vĩnh Phú, Bình Hòa, Hưng Định và Thuận Giao (dự án Khu định cư Việt - Sing). Phấn đấu đưa thành phố Thuận An thành trung tâm đào tạo của tỉnh và của khu vực.
Trung tâm Y tế: Mở rộng bệnh viện đa khoa hiện hữu sang đường Ba tháng Hai với quy mô 500 giường trên diện tích đất khoảng 6,4ha; Xây dựng mới bệnh viện đa khoa thành phố Thuận An tại phường Bình Hòa với quy mô 400 - 500 giường trên diện tích đất 5ha trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư về y tế để đưa thành phố Thuận An trở thành Trung tâm Y tế của tỉnh Bình Dương và vùng vùng phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh.
Quy hoạch 537,70 ha đất cây xanh có mục đích công cộng của thành phố, bao gồm: công viên văn hoá thể thao Bình Chuẩn; chuyển trên 100ha đất nghĩa địa thành đất cây xanh; Quản lý cây xanh cách ly trong các khu, cụm công nghiệp, cây xanh ven sông Sài Gòn và ven các sông rạch giữ lại; chuyển đổi Sân Golf Lái Thiêu thành công viên chuyên đề.
Các trung tâm giải trí, nghỉ dưỡng... được khuyến khích phát triển trên hành lang sông Sài Gòn.
Nhà ở xã hội được quy hoạch và xây dựng tại các cụm công nghiệp và cơ sở công nghiệp di dời.
Về định hướng khu cụm công nghiệp, kho bãi Logistic:
Chuyển đổi Khu công nghiệp VSIP I theo hướng khu công nghiệp - dịch vụ theo hướng công nghệ cao; sau năm 2030, nếu được Chính phủ cho phép chuyển đổi các Khu công nghiệp Việt Hương, Đồng An theo hướng logistic, dịch vụ giao thông vận tải, dịch vụ đô thị, nhà ở xã hội nhà ở thương mại và giáo dục - đào tạo.
Từng bước di dời và chuyển đổi các cụm công nghiệp tập trung và các cơ sở công nghiệp nằm ngoài khu cụm công nghiệp sang đất dịch vụ, đất ở trong đó có đất nhà ở xã hội.
Duy trì các kho bãi và logistic hiện hữu, cho phép phát triển các kho bãi trên các trục chính đô thị.
Về quy hoạch tầng cao xây dựng: Đất hỗn hợp trên các trục chính có đường sắt đô thị như: Đại lộ Bình Dương cho phép tầng cao tối đa 60 tầng; đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành cho phép tầng cao tối đa 50 tầng, tầng hầm 6 tầng. Hệ số sử dụng đất 13 lần, trong đó 9 lần là nhà ở thương mại và 04 lần là dịch vụ đô thị. Khoảng lùi xây dựng đối với công trình cao tầng tối thiểu 10m.
Đất hỗn hợp trên các đường chính đô thị cho phép tầng cao tối đa 40 tầng, tầng hầm 4 tầng. Hệ số sử dụng đất 11 lần, trong đó 8 lần là nhà ở thương mại và 03 lần là dịch vụ đô thị; Đất hỗn hợp trên các đường liên khu vực, và đường khác cho phép tầng cao tối đa 30 tầng, tầng hầm 3 tầng. Hệ số sử dụng đất 10 lần, trong đó 7 lần là nhà ở thương mại và 03 lần là dịch vụ đô thị.
Về giao thông: Trên cơ sở các trục chính đô thị - đường đối ngoại, quy hoạch cải tạo nâng cấp các tuyến đường chính đô thị lộ giới từ 32-54m, gồm: Đường ĐT.743a, ĐT.743C, ĐT.745; đường Thủ Khoa Huân; đường 22 tháng 12; đường tỉnh lộ 43; đường Ven sông Sài Gòn; Đường CĐT 1: nối Bình Chuẩn - An Phú - Bình Hoà - Lái Thiêu; Đường CĐT 2: Đường Ba tháng Hai (Lái Thiêu) nối đường Nguyễn Hữu Cảnh (sân golf) tới đường Thủ Khoa Huân; Đường CĐT 3: từ Ngã 3 đường ĐT.745 (cầu Ngang phường Hưng Định) qua An Thạnh kết nối đường Hồ Văn Mên; Đường CDT 4: Đường đại lộ tự do (Khu công nghiệp VSIP I ) kéo dài về phía Tây đi qua phần phía Bắc sân golf Lái Thiêu sau đó đi cặp song song với đoạn kênh thoát nước Chòm Sao ra đường ĐT.745 và đường ven sông Sài Gòn.
Đường liên khu vực lộ giới từ 26-30m và các đường chính khu vực theo quy chuẩn quy phạm QCVN 01:2021/BXD. Ngoài các loại đường trên, quy hoạch một số tuyến đường song hành với các trục đường chính đô thị như Đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và ĐT.743a, ĐT.743b nhằm chia sẽ lưu lượng vận tải trên các trục đường chính, lộ giới từ 22-30m.
Hệ thống cầu: Ngoài cầu Phú Long hiện hữu, cầu Bình Gởi trên đường Vành đai 3 qua huyện Củ Chi. Xây dựng thêm 3 cầu trên sông Sài Gòn kết nối TP.HCM gồm: cầu trên đường cầu Tàu (phường Hưng Định) qua huyện Hóc Môn; Phục hồi cầu sắt Lái Thiêu thành cầu kiến trúc cảnh quan mang tính truyền thống lịch sử về kiến trúc và nơi chốn; cầu Vĩnh Phú trên LKV11 (đường VP09) kết nối Quận 12.
Thành phố Thuận An phía Đông giáp Thành phố Dĩ An phía Tây giáp Quận 12 và huyện Hóc Môn qua sông Sài Gòn, phía Nam giáp Thành phố Thủ Đức, phía Bắc giáp Thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Tân Uyên.
Nguồn: Giáo dục thời đại