Tập đoàn Pandora của Đan Mạch, nhà sản xuất đồ trang sức lớn nhất thế giới, sẽ khởi công xây dựng nhà máy trị giá hơn 150 triệu USD tại Bình Dương vào ngày 16/5/2024, theo Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.
Lý do Pandora chọn Bình Dương, Việt Nam để xây dựng nhà máy mới?
Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết vào chiều 16-5 tới đây, hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora sẽ tổ chức lễ khởi công nhà máy Pandora Production Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP 3 ở phường Hội Nghĩa, thành phố Tân Uyên (Bình Dương).
Nhà máy Pandora Production Việt Nam có tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD (khoảng 3.750 tỉ đồng). Dự án mới này sẽ là cơ sở sản xuất thứ ba, đồng thời là nhà máy đầu tiên của Pandora được xây dựng ngoài Thái Lan.
Khi vận hành, dự án sẽ tạo ra việc làm cho hơn 7.000 thợ bạc và sản xuất 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm.
Chia sẻ lý do chọn Việt Nam làm nơi "lót ổ", Tập đoàn trang sức Pandora cho hay doanh nghiệp này đã tìm hiểu các nước trên thế giới trước khi quyết định chọn Việt Nam và tỉnh Bình Dương để đặt nhà máy.
Theo tập đoàn Đan Mạch này, Việt Nam có một lịch sử nghề thủ công rất phong phú và doanh nghiệp này có thể tìm được nhiều nhóm thợ bạc, nghệ nhân có tay nghề.
Ông Jeerasage Puranasamriddhi - giám đốc cung ứng của Tập đoàn trang sức Pandora - cho hay tỉnh Bình Dương và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3) có cơ sở hạ tầng tốt. Ông cho biết "Tỉnh Bình Dương và VSIP cung cấp cơ sở hạ tầng tuyệt vời và chúng tôi rất biết những hỗ trợ chúng tôi đã nhận được từ chính quyền tỉnh và VSIP."
Bên cạnh đó, nhà máy đặt tại Bình Dương có lợi thế là vị trí gần sân bay, trong khi hầu hết các sản phẩm của tập đoàn này đều xuất khẩu, do đó vị trí gần sân bay rất quan trọng trong vận chuyển. Đồng thời, tập đoàn này cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền và ban quản lý Khu công nghiệp VSIP 3.
Theo ông Jeerasage Puranasamriddhi, tập đoàn đã xem xét kỹ lưỡng 27 quốc gia và cuối cùng chọn Việt Nam bởi nhiều yếu tố để giảm thiểu rủi ro về nguồn cung khi các nhà máy đều tập trung tại Thái Lan.
Với việc xây mới nhà máy tại Việt Nam, các loại trang sức từ Việt Nam sẽ chiếm đến 1/3 năng suất toàn cầu của Pandora.
"Nâng cao năng lực sản xuất là nhiệm vụ rất quan trọng để chúng tôi đáp ứng nhu cầu thị trường và chúng tôi rất hào hứng với chương mới này tại Việt Nam", ông Jeerasage Puranasamriddhi nói.
Tập đoàn Pandora cho hay nhà xưởng mới này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold (chứng nhận công trình xanh uy tín được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ - PV) và nhà máy sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo.
Hiện tại, Pandora có hai nhà máy chế tác đặt tại Thái Lan và cả hai nhà máy này đều dùng 100% điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Đôi nét về tập đoàn Pandora
Sản phẩm của Pandora bán trên 100 quốc gia
Pandora là thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới tính theo doanh số. Trong quý 1-2024, doanh thu của Tập đoàn Pandora đạt 977,77 triệu USD. Sản phẩm của tập đoàn này được bán ở hơn 100 quốc gia thông qua 6.700 điểm bán. Pandora đã tuyển dụng 33.000 người trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, tập đoàn này đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính với lộ trình là đến 2030, tập đoàn phải giảm 50% lượng phát thải trên toàn chuỗi giá trị của mình. Tập đoàn này được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq Copenhagen và tạo ra doanh thu 3,8 tỉ euro vào năm 2023.
Chủ đầu tư VSIP3 là ai?
VSIP Group, nhà phát triển các khu công nghiệp hiện đại hàng đầu Việt Nam, là liên doanh giữa "đại gia" đa ngành Sembcorp Industries của Singapore và tập đoàn phát triển bất động sản Becamex IDC của tỉnh Bình Dương. Khu công nghiệp VSIP 3 tại Bình Dương có quy mô lên đến 1.000 ha, là khu công nghiệp hiện đại phục vụ các dự án "sản xuất xanh".
Tổng quan tình hình đầu tư của doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đan Mạch hiện xếp thứ 8/25 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Đan Mạch đã đầu tư tại 18/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Dẫn đầu là tỉnh Thừa Thiên Huế với 05 dự án, tổng vốn đăng ký 173,89 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tỉnh Bình Dương đứng thứ hai có 13 dự án, tổng vốn đăng ký là 77,22 triệu USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo sau là TP.HCM với 55 dự án, tổng vốn đăng ký 41,34 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là Đồng Nai, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,...
Tại Bình Dương, một tập đoàn khác của Đan Mạch là LEGO cũng đang đầu tư nhà máy quy mô 1,3 tỷ USD tại Khu công nghiệp VSIP 3, đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn này.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp khác của Đan Mạch như Scancom, Vestas, Carlsberg, Julie Sandlau, Copenhagen Offshore Partners (COP), Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)... cũng đang đầu tư tại Việt Nam, giúp tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương.
Hiện có 135 công ty Đan Mạch đã thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Đan Mạch đồng thời cũng là một trong những quốc gia châu Âu có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam. Dự án đầu tư của LEGO tại Việt Nam là nhà máy trung hòa carbon, Pandora cũng sẽ xây dựng nhà máy chế tác sử dụng 100% năng lượng tái tạo, đánh dấu cho việc xu hướng đầu tư FDI xanh hóa ngày một rõ nét hơn.
Việt Nam và Đan Mạch đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25-11-1971. Ngày 19-9-2023 đánh dấu tròn 10 năm Việt Nam và Đan Mạch thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Nguồn: Tổng hợp