Lễ hội chùa Bà tại Bình Dương năm 2024

Feb 19, 2024
Lễ hội chùa Bà tại Bình Dương năm 2024

Du lịch lễ hội là một loại hình du lịch văn hóa mang tính đặc thù. Thông qua hoạt động, các lễ hội được bảo tồn, phát triển, tạo việc làm, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân địa phương. Hơn thế nữa, lễ hội thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu tìm hiểu về giá trị văn hóa của vùng đất - con người nơi diễn ra lễ hội. Ở Bình Dương, Lễ hội Chùa Bà hay còn gọi là lễ hội Rằm tháng Giêng đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong những ngày du xuân chào đón năm mới của nhân dân Bình Dương nói riêng và của nhiều du khách thập phương nói chung.

Lịch sử hình thành Miếu bà Thiên hậu Bình Dương

Miếu Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Cung) mà người dân quen gọi là Chùa Bà, là cơ sở tín ngưỡng dân gian quan trọng của cộng đồng người Hoa trên vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương. Miếu tọa lạc tại số 04 đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Miếu do các ban người Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Miếu bà Thiên Hậu được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX và được tạo lập vào năm 1923. Đến năm 2014, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chiêm bái của nhân dân và du khách hành hương, Miếu bà Thiên hậu được xây dựng thêm cơ sở thờ tự tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Thiên hậu cung ở Bình Dương được xây dựng ở nhiều nơi để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân như: Chánh nghĩa, Bưng Cầu, An Thạnh, Lái Thiêu, Dầu Tiếng, Tân Uyên…Tuy nhiên, Lễ hội Rước cộ Bà có quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia được tổ chức tại Miếu bà Thiên Hậu (số 4 đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) khu vực ngã Sáu, chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Trong những năm gần đây, Ban tổ chức lễ hội thành phố Thủ Dầu Một đã tổ chức Lễ Rước cộ Bà ở 2 địa điểm là Lễ rước Cộ Bà (mùng 9 Tết) ở phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và Lễ Rước cộ Bà du xuân Rằm tháng Giêng tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.          

Theo truyền thuyết, Bà có tên là Lâm Mỵ Châu, con của một nư phủ quê huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, sinh vào thời nhà Tống ở Trung Quốc. Bà vốn có tánh linh truyền rằng: Một hôm, đang ngồi trên khung cửi dệt vải, Lâm Mỵ Châu bỗng dừng tay thoi, rồi bảo với mẹ rằng cha và anh của nàng đang gặp nạn ngoài biển khơi. Nghe con nói bà bàng hoàng nhưng vẫn chưa tin. Mấy ngày sau, hai người con trai mình trần, tay trắng sống sót trở về, còn người cha thì bặt vô âm tín. Từ đó, Lâm Mỵ Châu dần nổi tiếng có tài tiên đoán về thời tiết, gió bão trên biển khơi nên đã giúp cho ngư dân thoát được nhiều cơ nguy, hiểm nghèo. Do mệnh yểu Bà từ giã cõi trần năm ngoài 20 tuổi, sau đó trở thành hiển linh. Truyền thuyết dân gian kể rằng: Bà thường khoác bộ y phục màu nâu, bay lượn trên biển để cứu những đoàn thuyền bè lâm nạn trên biển. Do công đức ấy mà về sau, Bà được vua Khang Hy đời nhà Thanh phong chức Thiên Hậu Thánh Mẫu và được nhân dân vùng ven biển Phúc Kiến (Trung Quốc) tôn thờ như bậc hiển thánh.

Những người Hoa di cư sang Việt Nam vào những thế kỷ trước, tuyệt đại đa số đều đi bằng thuyền, và trong hành trình nhiều ngày trên biển, họ thường khấn vái Bà Thiên Hậu, mong được Bà phù hộ cho “Đi đến nơi, về đến chốn”. Trong quá trình định cư trên vùng đất mới, những người Hoa thuộc các bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ làm ăn ngày một phát đạt, đời sống ổn định. Nhớ đến công ơn của Bà, họ đã lập đền để thờ Bà. Theo tập quán, hàng năm lễ cúng vía Bà vào ngày 25 tháng 3, nhưng lễ hội có quy mô lớn, có đám rước linh đình nhất ở Bình Dương lại diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng với hàng chục ngàn người về tham dự lễ hội. Đây là lễ hội có sự tham dự đông đúc của du khách đến từ các tỉnh, thành phố lân cận. Lễ vật cúng Bà trong ngày lễ hội thường là heo quay nguyên con, gà, vịt, xôi, bánh và hoa quả. ….Du khách tham dự lễ hội còn được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn của các đoàn múa Lân, Sư, Rồng, Hẩu…góp phần tạo nên không khí đặc trưng của lễ hội rước kiệu Bà ở Bình Dương.

Lễ hội và Nghi thức rước kiệu Bà

Hằng năm, ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, khi dư âm của những ngày Tết Nguyên Đán vẫn còn, thì một không khí nhộn nhịp, bận rộn, vui tươi chuẩn bị cho một mùa lễ hội bắt đầu. Ngay từ những ngày đầu tháng Giêng, du khách ở các tỉnh xa tập trung về Miếu bà Thiên hậu Bình Dương để vía Bà. Những cửa hàng bán trái cây, hoa tươi, nhang đèn đầy ắp hàng hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách hành hương về dự lễ hội. Trong những năm gần đây, lễ hội chùa Bà Bình Dương còn được biết đến là lễ hội “miễn phí” với sự tham gia của các cấp chính quyền, cá nhân, tổ chức, đoàn, hội phục vụ chỉ dẫn, giữ xe, tặng thức ăn và nước uống miễn phí cho du khách đến tham dự lễ hội.

Hội mở đúng vào ngày Rằm tháng Giêng nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới, trên đường phố, người và xe cộ đi lại tấp nập. Du khách từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh gần xa nườm nượp đổ về miếu Bà. Đến khoảng ngày 13, 14 tháng Giêng được xem là thời cao điểm của lễ hội, hàng chục ngàn người ở các ngã đường di chuyển về miếu Bà để tham dự Lễ hội lớn. Hàng chục đoàn múa Lân, Sư, Rồng, Hẫu của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh (mỗi đoàn trung bình từ 30, 40 người, có khi đến cả trăm người) rộn ràng trong tiếng trống, tiếng phèng la, làm cho không khí trước ngày hội trở nên tưng bừng, náo nhiệt.

Lễ hội chùa Bà được diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc như: Phong tục đi chùa ngày Tết, Lễ cúng vía Bà, lễ rước cộ Bà… đã trở thành địa điểm du Xuân đặc sắc tại Bình Dương.

Phong tục đi chùa, miếu ngày Tết: Tục lệ đi chùa đầu năm đã “ăn” sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam bởi đây là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, mỗi dịp xuân về các gia đình đã chọn cho mình những ngày đi lễ chùa cuối năm, đầu năm nhằm để ước nguyện một năm sung túc, đủ đầy. Tại miếu Bà Thiên Hậu ngay từ đêm giao thừa và ngày Mùng 1 Tết, người dân và du khách đã đến đông đúc để chiêm bái, du xuân và cầu cho một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và hanh thông.

Lễ cúng vía Bà Thiên Hậu: Lễ được tiến hành vào lúc nữa đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15, Vị Chánh tế chủ trì buổi lễ do 4 bang người Hoa ở Bình Dương (Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ) cử ra theo phân công luân phiên từng năm. Ngôi miếu được trang hoàng cờ phướn, lồng đèn rực rỡ từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn to, trang trí đẹp, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, treo thành một hàng dài trước sân chùa làm cho cảnh hội thêm lộng lẫy. Những lồng đèn này được tổ chức đấu giá để lấy tiền làm việc công ích (y tế, giáo dục, văn hóa) và công tác từ thiện ở địa phương. Người đấu giá thành công trong cuộc đấu giá được xem là nhận lộc Bà, mang chiếc lồng đèn về treo trong nhà, cơ quan, xí nghiệp như một niềm vinh dự, tượng trưng cho sự may mắn, hanh thông.

Lễ rước cộ Bà: Lễ diễn ra lúc đầu giờ chiều ngày 15 (rằm tháng giêng), nghi thức rước cộ Bà uy nghi bắt đầu cuộc diễu hành qua các tuyến đường quanh khu vực trung tâm phường Phú Cường, chợ Thủ Dầu Một của thành phố Thủ Dầu Một. Đi đầu trong đoàn rước cộ Bà là 4 con Hẫu “mở đường của Bang Phúc Kiến” với khoảng 60 thanh niên theo sau, mặc đồng phục, mang cờ hiệu, kiếm và thanh long đao, tiếp theo là xe chở bộ tứ “Tây Du Ký”, các đoàn lân, sư, rồng biểu diễn xen kẻ các đội gánh cờ, gánh hoa, biểu diễn âm nhạc. Cộ Bà có bốn mái, hai tầng lộng lẫy sơn son thếp vàng, bên trong có đặt bài vị do 8 chàng trai khênh, trang phục uy nghiêm. Đi liền phía trước cộ Bà có 2 chiếc bàn nhỏ đặt chiếc lư hương có cắm 3 cây hương trường đang cháy, phía sau cộ Bà là những người trong ban quý tế, lễ phục uy nghiêm, có đoàn lân theo phía sau hộ vệ.

Đi cạnh 2 bên cộ Bà có 4 người, mỗi bên 2 người mặc lễ phục làm nhiệm vụ đổi nhang cho du khách 2 bên đường đoàn cộ Bà đi qua. Người đi bên cộ nhận những cây nhang đốt sẵn từ du khách đứng ở 2 bên đường để cắm vào lư hương cúng Bà, rồi lấy cây nhang đang cháy khách từ lư hương trao lại cho người vừa đưa nhang. Theo quan niệm của họ thì đây là cách nhận lộc của Bà.

Theo sau đoàn rước cộ Bà là du khách và người dân địa phương. Đoàn rước cộ Bà kéo dài nhiều kilomet, phủ kín các ngã đường. Hai bên đường đoàn rước cộ đi qua, người dân có đặt một cái bàn phía trước nhà đặt hương hoa, trái cây để cúng bà, khi tiếng trống của đoàn cộ gần đến người dâng thắp hương để cúng bà.

Khoảng 6 giờ chiều thì đoàn rước cộ về đến miếu Bà, khi cộ Bà đi vào sân miếu thì tiếng trống, tiếng phèn la một lần nữa vang lên rộn rã báo hiệu lễ rước cộ Bà được kết thúc. Vào lúc kết thúc lễ hội, khi chiếc lồng đèn cuối cùng được lấy xuống sẽ là lúc đoàn lân từ cổng tam quan di chuyển vào sân miếu biểu diễn để “chúc Bà” trong tiếng trống, tiếng phèn la vang dội và tiếng reo hò của người tham dự lễ.

Trong bán kính 1 km từ miếu Bà, du khách có thể tham quan và trải nghiệm nhiều điểm đến du lịch khá hấp dẫn tại Bình Dương như: Chùa Ông, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, di tích lịch sử Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, di tích kiến trúc nhà cổ ông Trần Văn Hổ, nhà cổ ông Trần Công Vàng, phố đi bộ Bạch Đằng, nhà truyền thống Thủ Dầu Một (nhà Việc Phú Cường), chợ Thủ Dầu Một…cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm hàng lưu niệm…tại khu vực này.

Lễ hội chùa Bà rằm tháng giêng được xem là lễ hội có quy mô lớn nhất tại tỉnh Bình Dương, thông qua việc duy trì tổ chức lễ hội không những góp phần phát triển công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mà còn thu hút khách du lịch du xuân, tham quan, mua sắm,…. Trong những năm qua, cùng với sự chung tay góp sức của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, lễ hội chùa Bà đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về sự hiền hòa, nghĩa tình, mến khách của vùng đất và con người Bình Dương.

Chương trình Lễ rước cộ Bà năm 2024 tại Bình Dương

Lễ rước cộ Bà năm 2024 sẽ được tổ chức vào 2 ngày: ngày mùng 9 Tháng Giêng và ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn.

Lễ rước cộ Bà năm 2024 sẽ được tổ chức vào 2 ngày: ngày 18 tháng 02 năm 2024 (nhằm mùng 9 Tháng Giêng năm Giáp Thìn) và ngày 24 tháng 02 năm 2024 (nhằm ngày rằm tháng giêng năm Giáp Thìn).

Lễ rước Cộ Bà tại Thành Phố Mới Bình Dương ngày 18 tháng 02 năm 2024 (nhằm mùng 9 Tháng Giêng năm Giáp Thìn)

Lễ hội đặc biệt lớn nhất Đông Nam bộ diễn ra ở Bình Dương và bắt đầu vào Mùng 9 này, ngoài sự đặc biệt về quy mô. Lễ hội còn được biết đến với sự nghĩa tình của người dân Bình Dương, khi mọi nẻo đường đến đây đều là các quầy cafe, bánh, nước, trái cây khăn lạnh...hoàn toàn miễn phí''

Ngoài ra còn có sự quy tụ của các nghệ thuật biểu diễn đặc sắc với sự tham gia của hơn 25 đoàn lân sư rồng đến từ Thành phố Hồ Chí Minh  và Bình Dương cùng đoàn xe hoa, các đoàn biểu diễn nghệ thuật, gánh cờ hoa của tiên đồng ngọc nữ của 4 Bang người Hoa đang sinh sống tại Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương rất đặc sắc.

Cụ thể: Vào lúc 16h00 - 19h00 ngày 18 tháng 02 năm 2024 (nhằm mùng 9 Tháng Giêng năm Giáp Thìn), Ban trị sự Chùa Bà Thiên Hậu Thành phố Thủ Dầu Một phối hợp cùng Tổng công ty Becamex IDC tổ chức lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu vòng quanh thành phố Mới Bình Dương qua các tuyến đường Lê Hoàn, Lê Lai, Lê Lợi (Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương), Nguyễn Huệ và quay về chùa Bà thành phố Mới.

- Lộ trình: kiệu Bà được rước đi qua các tuyến đường chính quanh khu vực Trung tâm hành chính tỉnh. Lịch trình bắt đầu từ miếu Bà Thiên Hậu, đường Lê Hoàn đến đường Chu Văn An, đường Lê Duẩn, đường Lê Lợi, đường Hùng Vương, đường Chu Văn An, đường Lê Hoàn, sau đó quay trở về miếu Bà Thiên Hậu.

Lễ rước Cộ Bà ngã 6 Bình Dương vào ngày Rằm tháng Giêng

Cụ thể:

Vào lúc 09h00 sáng ngày 24 tháng 02 năm 2024 (nhằm ngày rằm tháng giêng năm Giáp Thìn), Ban trị sự Chùa Bà Thiên Hậu Thành phố Thủ Dầu Một tổ chức Lễ hội thánh đăng xuân Giáp Thìn tại trước sân chùa Bà Bình Dương (cơ sở 1), địa chỉ 04, đường Nguyễn Du, Phường Phú Cường, Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Lễ hội sau khai mạc sẽ tiến hành nghi thức đấu giá 09 chiếc Thánh đăng Thiên Hậu Thánh Mẫu, nguồn quỹ thu được sẽ dùng cho việc nâng cấp cơ sở 1, tu bổ, sửa chữa, bảo quản cho cơ sở 2 đồng thời triển khai các chương trình xã hội từ thiện.

Nguồn: Parkview Tower tổng hợp

 

Tags: