Theo dự thảo quy hoạch, diện mạo tỉnh Bình Dương trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi. Nơi đây trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế Quốc gia, người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Ngày 11/5, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đang nỗ lực hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch trước khi thực hiện các quy trình thủ tục tiếp theo để tháng 6/2024 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là công cụ quan trọng, "kim chỉ nam" để tỉnh Bình Dương định hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh hướng tới phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ tới.
Dự thảo Đồ án Quy hoạch xây dựng tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế Quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; có nền kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa giữa các khu vực.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, xây dựng, phát triển Bình Dương cùng với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh quốc tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 8,2%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 12%/năm. Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người.
Tổ chức không gian kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương theo mô hình Vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo gồm Trục đổi mới sáng tạo Bắc - Nam theo mô hình TOD: Thành phố mới, Bàu Bàng, Thủ Dầu Một, Dĩ An - Thuận An; phát triển vành đai đô thị - công nghiệp dịch vụ theo đường Vành đai 4 TPHCM; phát triển hai hành lang sinh thái dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; tái phát triển khu vực đô thị - công nghiệp - dịch vụ phía Nam; hướng tới mô hình cấu trúc phát triển gồm: 1 trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 Vành đai liên kết; 4 Trung tâm động lực; 5 vùng phát triển.
Khu vực phía Nam Bình Dương gồm TP. Dĩ An, TP. Thuận An chuyển đổi thành các trung tâm dịch vụ cấp vùng về thương mại và dịch vụ logictics; khu vực TP. Thủ Dầu Một phát triển hoàn thiện thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ và đổi mới sáng tạo; khu vực TP. Bến Cát – TP. Tân Uyên phát triển hoàn thiện mô hình đô thị công nghiệp dịch vụ hiện đại.
Khu vực phía Bắc (các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) phát triển theo mô hình đô thị công nghiệp sinh thái có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp. Xây dựng và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh, văn minh và có tính tiên phong dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.
Liên quan đến việc quy hoạch hạ tầng giao thông, Bình Dương bổ sung Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13 vào danh mục phương án phát triển đường bộ của tỉnh. Bên cạnh đó, bổ sung danh mục một số Trung tâm đăng kiểm, bến xe, cảng, bến thủy nội địa… vào Quy hoạch.
Trong giai đoạn tới, Bình Dương sẽ quy hoạch thêm nhiều khu, cụm công nghiệp tại khu vực phía Bắc của tỉnh, do đó bổ sung thêm vào Quy hoạch các nhà máy cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, khu xử lý chất thải rắn đáp ứng nhu cầu cho các khu, cụm công nghiệp trong tương lai.
Nguồn: Báo Tiền Phong