Vai trò của Quốc lộ 13 trong phát triển kinh tế - xã hội
Quốc lộ 13 là một trục giao thông “xương sống” của tỉnh Bình Dương, đây cũng là con đường quan trọng bậc nhất cho sự phát triển của Bình Dương và Bình Phước, đồng thời kết nối các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM. Tại Bình Dương, tuyến đường này đang được thi công mở rộng lên 8 làn xe, rộng thênh thang.
Quốc lộ 13 đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương được đặt tên là Đại lộ Bình Dương, đoạn đường dài 62km đầu tư theo hình thức BOT được đưa vào sử dụng nhiều năm nay đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp, đô thị của tỉnh Bình Dương, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hơn 25 năm trước, từ khi tỉnh Bình Dương phát triển những khu công nghiệp đầu tiên, trong đó tiêu biểu là Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP 1) tại TP Thuận An, Chính phủ hai nước và chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã quan tâm đến việc phát triển hạ tầng phục vụ cho khu công nghiệp.
Trong bối cảnh ngân sách, cơ chế thời bấy giờ còn khó khăn, tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn đề xuất trung ương cho tỉnh huy động vốn xã hội hóa để mở rộng tuyến đường này.
Quốc lộ 13 ban đầu được mở rộng từ TP.HCM tới Khu công nghiệp VSIP 1, sau đó tiếp tục mở rộng tới Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng... và hiện nay đã được nối liên thông qua Bình Phước, tới biên giới.
Quốc lộ 13 được mở rộng tới đâu đã tạo ra sức bật mới tới đó, với hàng loạt khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ chạy dọc tuyến đường này.
Mở rộng tuyến đường thúc đẩy thông thương hàng hóa
Khảo sát của ngành chức năng (năm 2022), lưu lượng giao thông hàng ngày trên tuyến đường Quốc lộ 13 hiện tại là 28.000 xe. Số lượng này lớn hơn rất nhiều so với lưu lượng thiết kế ở thời điểm cuối năm khai thác (năm 2015) là 25.283 xe/ngày đêm. Do đó, việc cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 và các nút giao thông trên tuyến là rất cần thiết không chỉ giải tỏa áp lực giao thông tuyến đường này mà tạo thêm lực đẩy cho phát triển đô thị Bình Dương.
Theo kế hoạch bổ sung bao gồm các hạng mục:
- Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú (Km1+315) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (Km15+018,28) mở rộng về bên phải 02 làn xe (sau khi mở rộng là 08 làn xe), đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ;
- Đầu tư cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị, quy mô 04 làn xe, các nút giao khác nghiên cứu mở rộng để tăng khả năng thông hành;
- Đầu tư hệ thống thoát nước dọc kết hợp chiếu sáng hai bên đường đoạn từ Bến Cát đến Bàu Bàng (cầu Tham Rớt), gồm các đoạn: Cải tạo mở rộng từ cổng chào Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố; cải tạo mở rộng đoạn từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị (bao gồm cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị); cải tạo mở rộng đoạn từ nút Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong; cầu vượt ngã tư Hòa Lân; hệ thống thoát nước; hệ thống chiếu sáng, cấp nguồn chiếu sáng; bổ sung nút giao thông Phước Kiến và đoạn từ nút Hữu Nghị đến nút Tự Do.
Như vậy, Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú đến giao lộ Lê Hồng Phong dài 12,7km, sẽ mở rộng thêm 02 làn xe rộng từ 12 đến 18m, nâng tổng số làn xe lên 08 làn, bề mặt đường rộng từ 39,5 đến 40,5m. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỉ đồng, tiếp tục được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Ngày 26/4/2022, Bình Dương đã khởi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ giáp ranh TP.Hồ Chí Minh đến TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ 06 làn xe lên 08 làn xe nhằm khắc phục điểm nghẽn về giao thông trên đoạn đường này, mở ra diện mạo mới, cơ hội mới để Bình Dương tăng cường kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến tháng 6/2023, dự án đã hoàn thành đoạn cải tạo mở rộng từ nút Tự Do (VSIP 1) đến ngã tư Lê Hồng Phong và hoàn thành hồ sơ đến bù giải phóng mặt bằng cho các cư dân thuộc hai đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố và từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị.
Đánh giá tầm quan trọng của việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục tạo ra "bộ khung kỹ thuật" để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị. Dự án góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh. Do đó, trong chiến lược phát triển của tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư để phát huy lợi thế của trục đường Quốc lộ 13. Dự kiến đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, có đến 17 công trình đi qua đoạn Quốc lộ này. Bên cạnh đó còn có các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 5, 8; công trình trung chuyển được bố trí tại khu vực Lotte Mart và hơn 10 tuyến xe bus đô thị kết hợp xe bus nhanh… Tỉnh cũng đã quy hoạch trục Quốc lộ 13 đoạn từ trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết thành đại lộ kinh tế, tài chính, dịch vụ sầm uất.
"Phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư, tạo môi trường phát triển bền vững để xây dựng Bình Dương theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, một đô thị năng động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Chờ kết nối hoàn thiện toàn tuyến Quốc lộ 13 đến TP.HCM
Ngoài ra, dự án mở rộng, cải tạo Quốc lộ 13 trên địa bàn TP.HCM cũng đang được ráo riết thực hiện. Đây là một trong 33 công trình trọng điểm giao thông vận tải năm 2023 tại TP.HCM. Đặc biệt, dự án có "tuổi thọ trên giấy" cao nhất cũng có tên trong nhóm 13 dự án được ưu tiên đầu tư, đó là mở rộng Quốc lộ 13. Dự án đã được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Sau 18 năm, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới 9.992 tỉ. Dự kiến năm 2024 dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công công trình vào năm 2025.
Tại Bình Dương, tuyến đường này đang được thi công mở rộng lên 8 làn xe, rộng thênh thang. Còn đoạn qua địa bàn TP.HCM vẫn còn 4-6 làn xe, trong đó một số đoạn chỉ có 4 làn xe, bị "thắt cổ chai".
Hành trình triển khai mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM khá trầy trật, với nhiều lần điều chỉnh. Sau hai thập kỷ, đến nay, con đường cửa ngõ đông bắc của TP vẫn chưa được khai thông.
Hơn 20 năm trước, kế hoạch mở rộng quốc lộ 13 nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 - giai đoạn 1. Dự án do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được ký năm 2001.
Trong dự án này có công trình xây dựng cầu Bình Triệu 2, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã năm Đài liệt sĩ đến ngã tư Bình Phước, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (đoạn từ ngã năm Đài liệt sĩ đến cầu Sài Gòn)....
Ban đầu dự kiến mở quốc lộ 13 rộng 32m, sau đó TP yêu cầu nâng lên 53m. Do mức vốn vượt khả năng tài chính, vì thế sau khi làm xong cầu Bình Triệu 2, nhà đầu tư nói lời tạm biệt với dự án vào năm 2004.
Nguồn: Parkview Tower tổng hợp
Parkview Tower - Văn phòng cho thuê hiện đại tại cửa ngõ VSIP 1, kết nối trực tiếp với Quốc lộ 13 qua đại lộ Hữu Nghị ( chỉ 300 m)
Hotline: 0931 799 377