Ga Sóng Thần là là một nhà ga xe lửa lớn trên tuyến đường sắt Bắc Nam thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, tiếp nối sau ga Dĩ An và trước ga Bình Triệu (thành phố Hồ Chí Minh). Ga toạ lạc tại đại lộ Độc Lập, phường An Bình, thành phố Dĩ An.
Ga Sóng Thần là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam đồng thời là một trong những đầu mối giao thông vận tải ở khu vực này. Do vị trí của ga nằm cạnh khu công nghiệp Sóng Thần, tiếp giáp giữa tỉnh Bình Dương với TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, có hệ thống đường quốc lộ liên tỉnh, bến cảng…
Trước năm 1975, đây chỉ là một ga đường sắt nhỏ. Sau năm 1975, nhà ga từng bước được xây dựng để trở thành ga hàng hóa lớn. Hiện nay, ga là 1 trong 5 ga hàng hóa loại I của đường sắt Việt Nam. Với quy mô quản lý hơn 20ha và hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển, xếp dỡ. Nhà ga có 17 đường ray với sức chứa trên 350 toa xe, 5 kho chứa hàng. Năng lực xếp dỡ của ga đạt 2.000 tấn xếp dỡ/ngày đêm.
Trong quy hoạch của địa phương, ga Sóng Thần sẽ là trung tâm logistics lớn nhất phía Nam, hoàn toàn có thể là nơi tập kết, xuất nhập khẩu đi các tỉnh phía Bắc, kéo theo sự gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo không chỉ của Bình Dương mà còn của cả Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần. Được đề xuất đầu tư hơn 180 tỷ đồng nhằm đồng bộ và nâng cao năng lực, phục vụ hoạt động liên vận quốc tế. Dự kiến, giai đoạn 2025-2030, khi hoàn thành, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn trong nhất hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.
Sau khi cơ sở hạ tầng tại ga Sóng Thần phục vụ hoạt động Liên vận quốc tế được đầu tư hoàn thiện, Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy tàu hằng ngày, đồng thời cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng tại khu vực tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận.
Ngày 21/2 tại ga Sóng Thần, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên năm Giáp Thìn 2024 vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu từ Sóng Thần, Bình Dương, Việt Nam đến Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc.
Tàu gồm 21 toa, chở nông sản, dự kiến đến Trịnh Châu và Hà Nam của nước láng giềng sau 9-10 ngày. Đây là chuyến tàu được ngành đường sắt Việt Nam và Trung Quốc cùng tổ chức thực hiện nhằm tăng cường kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ và xuất nhập khẩu trên tuyến vận tải hàng hoá hai nước.
Sau đoàn tàu đầu tiên, dự kiến mỗi tuần có một chuyến tàu liên vận được tổ chức chạy từ ga Sóng Thần (trước đây mỗi tháng 1-2 chuyến) và tăng thêm tuỳ thực tế để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hàng hoá ở Bình Dương và khu vực lân cận được tập kết về nhà ga này, sau đó chở đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội), chuyển tiếp qua tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc.
Dự kiến sau khi cải tạo, ga này sẽ được tổ chức chạy các đoàn tàu đi thẳng từ tới Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại, thay vì phải chuyển tiếp ở các ga trong nước.
Nguồn: Kinh tế chứng khoán