Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Bình Dương có sự phát triển nhanh chóng 5 năm qua, vươn lên trở thành một trong những tỉnh có thu nhập cao hàng đầu cả nước.
Bình Dương sở hữu vị trí đắc địa ngay cửa ngõ vào TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Với hàng loạt tuyến đường quan trọng đi qua như đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13..., Bình Dương là một phần không thể thiếu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ quy mô khoảng 3.900 tỷ đồng vào năm 1997, sau gần 30 năm tái lập tỉnh, GRDP của Bình Dương năm 2023 đã tăng vọt lên hơn 487.000 tỷ đồng, trong đó gần 90% đến từ lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Đời sống người dân theo đó cũng được cải thiện đáng kể. GRDP bình quân đầu người vào năm 2023 của Bình Dương đạt 172,5 triệu đồng, gần gấp đôi mức trung bình của cả nước.
Hiện tại, Bình Dương đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030 theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Đây hứa hẹn sẽ là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và là trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại.
Tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam
Sau khi thị xã Bến Cát lên thành phố từ hồi tháng 4, toàn tỉnh Bình Dương đã có 5 thành phố, bao gồm TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Tân Uyên và TP Bến Cát.
Hiện tỷ lệ đô thị hóa ở Bình Dương đạt 85%, xếp thứ 2 trong số 63 tỉnh thành.
Đô thị xanh và thông minh
Mặc dù không phải là địa danh hành chính, Thành phố mới Bình Dương vẫn là một trong những cái tên được nhắc nhiều khi nói đến tỉnh Bình Dương. Đây là đề án quan trọng, được ví von là "khối óc và trái tim" của tỉnh.
Thành phố mới Bình Dương trải rộng trên quy mô 1.000 ha, thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị 4.196 ha. Nhìn từ trên cao, diện tích của khu vực này phần lớn là cây xanh với điểm nhấn là công viên trung tâm rộng hơn 70 ha với hồ nước, khu vui chơi, bãi cỏ...
Đây cũng là nơi tập trung nhiều công trình lớn, nổi bật là tòa tháp đôi Trung tâm hành chính cao 21 tầng, tòa nhà văn phòng WTC Tower, công viên trung tâm, khu thương mại Hikari... Tất cả cùng tạo nên một đô thị thông minh của Việt Nam.
"Thủ phủ'' công nghiệp hàng đầu cả nước
Sự phát triển của Bình Dương những năm qua có sự đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, các khu công nghiệp trên địa bàn đã tạo ra 117,5 tỷ USD doanh thu, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 71,5 tỷ USD.
Hiện tại, Bình Dương có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.600 ha, tỷ lệ lấp đầy lên đến 91%. Nổi bật trong số đó là các khu công nghiệp kiểu mẫu của VSIP.
Với quỹ đất rộng lớn và hạ tầng công nghiệp được đầu tư bài bản, Bình Dương là điểm đến hàng đầu của nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước.
Đơn cử là "siêu nhà máy" của Vinamilk với công suất hơn 800 triệu lít sữa mỗi năm và có thể mở rộng lên đến 1,2 tỷ lít.
Nhà máy này sử dụng robot LGV tự động vận chuyển nâng, xếp các pallet thành phẩm vào kho hàng. Robot có thể tự sạc điện và tính toán con đường di chuyển nhanh nhất, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải.
Bên cạnh đó là hệ thống kho thông minh đầu tiên được vận hành hoàn toàn tự động và lớn nhất tại Việt Nam với sức chứa gần 30.000 lô chứa hàng.
Trong khi đó, nhiều công ty nước ngoài cũng chọn Bình Dương để đặt cơ sở sản xuất. Như Công ty TNHH May Mặc Bowker Việt Nam thuộc Tập đoàn Win Hanverky (Hong Kong) đã thành lập từ năm 2005, chuyên sản xuất hàng may mặc thể thao.
Với quy mô 5.000 lao động hiện tại, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 300 công nhân để đáp ứng lượng đơn hàng ngày càng tăng lên.
Liên tục đón "đại bàng" tỷ USD
Với tiềm năng mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thu hút vốn đầu tư, Bình Dương tiếp tục là điểm đến hứa hẹn với nhiều "đại bàng". Gần nhất là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn Lego với số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD và nhà máy 150 triệu USD cho Pandora nằm cạnh nhau tại Khu công nghiệp VSIP III.
Riêng cơ sở sản xuất của Lego là một trong những dự án FDI lớn nhất tại Bình Dương và cũng là một trong những dự án lớn nhất của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam.
Trả lời Tri Thức - Znews về quyết định lựa chọn Việt Nam và cụ thể là Bình Dương để đặt nhà máy, ông Alexander Lacik cho biết đã dành 2 năm ngay sau đại dịch Covid-19 để khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại 27 quốc gia khắp thế giới. Trong đó, Pandora cân nhắc 13 tiêu chí khác nhau và cuối cùng Việt Nam vươn lên dẫn đầu.
Riêng tại Việt Nam, ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc Cung ứng cấp cao tại Pandora, cũng tiết lộ tập đoàn đã nghiên cứu toàn bộ 63 tỉnh thành với 224 khu công nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, "ông lớn" này vẫn quyết định xây dựng nhà máy tại Bình Dương bởi hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ và sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương.
Tiếp tục lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng
Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Dương sẽ ưu tiên đầu tư 18 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích đất 6.573 ha.
Trong đó có nhiều khu công nghiệp tiếp tục được mở rộng quy mô, điển hình là Khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng với tổng diện tích hơn 2.100 ha được hình thành vào năm 2016 nằm tại các xã Lai Hưng và Lai Uyên, huyện Bàu Bàng.
Mới nhất, Bình Dương cũng đã chính thức khởi công Khu công nghiệp Cây Trường tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường 2, huyện Bàu Bàng. Đây là dự án trọng điểm được mong đợi nhiều năm qua.
Nơi đây sẽ tạo mặt bằng sạch để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn xây dựng nhà máy, đồng thời tạo hạ tầng đón các cơ sở sản xuất di dời từ phía Nam lên phía Bắc của tỉnh.
Hạ tầng giao thông phát triển vượt trội
Đầu tư cho hạ tầng giao thông cũng là một trong những điểm sáng nổi trội góp phần tạo nên thành công của Bình Dương trong việc phát triển công nghiệp những năm qua.
Tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng như ngã 6 An Phú; đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng; xây dựng đường từ ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành; xây dựng đường Thủ Biên - Đất Cuốc; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13...
Đồng loạt khánh thành các dự án trọng điểm kết nối vùng Đông Nam Bộ
Cách đây không lâu, hai công trình trọng điểm đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và cầu Bạch Đằng 2 với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng đã được khánh thành, giúp kết nối Bình Dương với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dài 41 km, 6 làn xe, kết nối 3 huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương với huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Tuyến đường này sẽ giao cắt với tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trong tương lai.
Trong khi đó, cầu Bạch Đằng 2 nối các khu công nghiệp ở TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai. Đây là cây cầu thứ 3 kết nối hai tỉnh sau cầu Đồng Nai và cầu Thủ Biên.
Đại lộ 10 làn đường kết nối giao thương
Trước đó, tuyến đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng chạy qua TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Bến Cát và huyện Bàu Bàng với tổng chiều dài hơn 60 km cũng đã hoàn thành mở rộng lên 10 làn đường đoạn qua địa phận huyện Bàu Bàng, TP Bến Cát.
Tuyến đường có vai trò quan trọng trong giao thương, phát triển kinh tế, kết nối khu Thành phố mới Bình Dương với các cụm công nghiệp lớn ở TP Bến Cát, huyện Bàu Bàng.
Đại lộ 10 làn đường này cũng kết nối với đường Vành đai 3, 4, tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại, giao thương đến cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Ga Metro kết nối với TP.HCM
Gần đây, tỉnh cũng khởi công xây dựng vòng xoay A1 tại Thành phố mới Bình Dương. Với định hướng là đầu mối phát triển đô thị, dự án vòng xoay 7 ha này bao gồm nhiều hạng mục quan trọng như trung tâm thương mại dịch vụ, nhà thi đấu đa năng, quảng trường và nhà ga Metro kết nối với TP.HCM.
Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 18 tháng.
Không ngừng đầu tư công trình thể thao, giải trí
Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế và hạ tầng giao thông, Bình Dương cũng rất chú trọng đầu tư vào những công trình phục vụ vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao... Hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm công trình hoa viên, công viên phục vụ vui chơi, giải trí sinh hoạt thể dục, thể thao cho người dân.
Sắp tới, nhiều công trình sẽ được tiếp tục đầu tư mới và mở rộng trên toàn địa bàn tỉnh.
Những dự án bất động sản hàng trăm triệu USD
Đi kèm với tốc độ phát triển kinh tế, Bình Dương cũng chào đón lượng lớn người lao động từ các tỉnh thành khác, cũng như các chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Nhu cầu nhà ở theo đó ngày càng tăng lên, kéo theo sự xuất hiện của nhiều chủ đầu tư bất động sản với những dự án "khủng".
Hiện tại, CapitaLand (Singapore) đang xây dựng dự án Sycamore với tổng vốn khoảng 18.000 tỷ đồng, tức hơn 700 triệu USD. Đây cũng là dự án lớn nhất của "đại gia" bất động sản này tại Việt Nam. Dự án được chia thành 7 phân khu với nhiều loại hình căn hộ và nhà ở, dự kiến hoàn thành vào năm 2027 sau 3 năm triển khai.
Cách đó không xa, ngay cạnh khu đất sắp có trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam khoảng 300 m là dự án Artisan Park của Gamuda Land (Malaysia). Dự án có tổng diện tích 5,6 ha giữa trung tâm Thành phố mới Bình Dương, với quy mô 349 căn nhà phố thương mại. Tổng vốn đầu tư ở mức 117 triệu USD, tương đương gần 3.000 tỷ đồng.
Trước khi có những dự án nhà ở vốn "khủng" của các chủ đầu tư nước ngoài, một trong những dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất ở Bình Dương là Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ rộng hơn 370 ha, vốn dự kiến 3.300 tỷ đồng, tức khoảng 120 triệu USD.
Dự án của chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), tọa lạc tại phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một, nằm bên sông Sài Gòn, tiếp giáp với huyện Củ Chi, TP.HCM.
Tuy nhiên sau hơn 17 năm triển khai xây dựng, rất ít người dân về đây sinh sống.
Theo quy hoạch mới công bố, Bình Dương đặt mục tiêu GRDP thời kỳ 2021-2030 tăng trung bình khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 có 64% tỷ trọng là ngành công nghiệp và xây dựng; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.
Tỉnh đồng thời phân vùng phát triển thành 3 khu vực không gian động lực.
Khu vực 1 (gồm TP Thuận An và TP Dĩ An) sẽ thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh.
Khu vực 2 (gồm TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TP Bến Cát và huyện Bàu Bàng) có nhiệm vụ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh.
Khu vực 3 (gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng) hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái; bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính...
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Bình Dương cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Nguồn: Znews